Tỏi là một loại kháng sinh tự nhiên đã được nhân dân sử dụng từ ngàn đời xưa để phòng bệnh cho vật nuôi, đặc biệt là giai đoạn đầu phát triển
1. Sự cần thiết sử dụng thảo dược trong chăn nuôi
Việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nhằm mục đích phòng trị bệnh (đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp và đường tiêu hóa) từ đó kích thích sự tăng trưởng của vật nuôi. Tuy nhiên, sử dụng kháng sinh tân dược đang đứng trước vấn đề dư lượng và kháng thuốc. Dùng kháng sinh với liều cao hoặc không đảm bảo thời lượng ngưng thuốc trước khi giết thịt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Nhưng dùng với liều thấp lại dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Biện pháp sử dụng kháng sinh thảo dược (Phytocide) thay thế kháng sinh tân dược sẽ hiệu quả và ít tốn kém, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi hướng tới sản phẩm sạch, an toàn hiện nay.
So với các loại kháng sinh tân dược, kháng sinh thảo dược có nhiều ưu điểm như không có hiện tượng kháng thuốc, không tồn dư trong thực phẩm, rất ít độc (Chu Mạnh Thắng và cs). Nhiều nghiên cứu ở trong và ngoài nước khẳng định Tỏi (Allium sativum L.) có tính kháng sinh, có khả năng phòng chống nhiều loại vi khuẩn, nấm, virus,… phòng trị các bệnh cúm, đường ruột, điều trị vết thương,… tăng tính ngon miệng, giải độc, ức chế nấm mốc, côn trùng, tẩy uế môi trường, nâng cao chất lượng thịt (Cavalito & Bailey, 1944; Hughes & Lawson, 1991; Deshpande et al., 1993 trích dẫn bởi Chu Mạnh Thắng và cs; Võ Văn Chi, 2005 trích dẫn bởi Nguyễn Thị Kim Loan, 2012; Konjufca et al.,1997; Sivam, 2001, Prasad & Saharma, 1981 trích dẫn bởi Vidica Stanaćev et al., 2010).
2. Dược động học thành phần hữu ích trong tỏi
Tỏi có hàm lượng kháng sinh cao (Purseglove, 1988). Tỏi có 3 hoạt chất chính allicin, liallyl sulfide và ajoene. Allicin là hoạt chất mạnh nhất và quan trọng nhất của tỏi. Tỏi nguyên tép không có allicin, không mùi, không có chức năng kháng khuẩn, cũng như không có khả năng chống oxy hóa. Khi đập nát, tiếp xúc với oxy trong không khí, enzym trong tỏi hoạt động để biến alliin thành allicin có mùi tỏi và có tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa (Stoll và Seebeck, 1997 trích dẫn bởi Lâm MinhThuận, 2012). Sự chuyển hóa này diễn ra rất nhanh, 50% alliin chuyển hóa thành allicin trong vòng 2 phút (duoclieu.org).
Allicin có tác dụng diệt khuẩn cực mạnh, mạnh hơn cả penicilin (ykhoa.net, Vũ Duy Giảng (2010), hua.edu.vn). Nó nhanh chóng bị phân hủy ở gan, thận, niêm mạc ruột non thành Diallyl disulphide - chất này được cho là có lợi đối với tuần hoàn.
Cavallito (1994) và Lâm MinhThuận (2012) cũng cho rằng tỏi có tác dụng làm giảm lipid trong máu do sự ức chế các enzym liên quan đến sự tổng hợp cholesterol trong gan, kích thích phóng thích insulin, hạ huyết áp, ổn định đường huyết, phòng chống ung thư, đột quỵ
Độ độc của allicin DL50 trên chuột bạch là 60mg/kg đối với tiêm tĩnh mạch và 120 mg/kg đối với tiêm dưới da (duoclieu.org).
3. Vai trò tích cực của tỏi đối vế hệ miễn dịch người và vật nuôi
3.1.Tác dụng kháng khuẩn của tỏi (hoạt chất allicin)
Tỏi có khả năng diệt khuẩn cực mạnh ngay cả khi nông độ thấp. Theo duoclieu.org, nồng độ 1:125.000 ức chế vi khuẩn: Bacillus subtilis, proteus morgani, Salmonella enteritidis, S.paratyphi, S.schottmuelleri, S.typhi, S.typhimurium, Shigella dysenteriae, S.paradysenteriae, Staph. Aureus, Streptococcus viridans, Vibrio cholerae; Nồng độ 1:85.000 ức chế vi khuẩn: Streptococcus haemolyticus ;Nồng độ 1:48.000 ức chế vi khuẩn: Aerobacter aerognes, E.coli, Mycobacterium, M.tuberculosis hominis, Samonella hirschfeldii ; Nồng độ 1:25.000 ức chế vi khuẩn: Penicillium cyclopium, Aspergillus fumigatus; Nồng độ 1:10.000 ức chế vi khuẩn: Streptomyses griesus.
3.2.Tác dụng ức chế nguyên sinh động vật của tỏi
Nước tỏi 5 – 10% ức chế rất nhanh hoạt động của amip. Ở nồng độ cực kỳ thấp (30µg/ml) nước tỏi diệt được Entamoeba histolytica nguyên nhân gây lỵ amip. Tỏi cũng có thể sử dụng để điều trị bệnh giun Giardia lamblia, bệnh đường ruột do nguyên sinh Lamblia intestinalis gây ra.
Ajoene (thành phần của nước tỏi) ức chế sự tăng sinh của Trypanosoma cruzi do ức chế sinh tổng hợp phosphatidylcholine.
Ngoài ra tỏi cũng có tác dụng tác dụng chống kháng virus, ung thư (trị ung thư tử cung, ức chế tạo u trong phổi, vùng trên dạ dày và thực quản); chống oxy hóa (ức chế hình thành các gốc tự do); kích thích miễn dịch.
4. Một số trường hợp cần lưu ý khi sử dụng Tỏi
+ Gia súc mang thai, đang nóng sốt, đang mắc chứng bệnh về máu huyết thì không nên cho ăn quá nhiều tỏi.
+ Trị giun không dùng quá liều do gây viêm ruột, tiêu chảy.
+ Không dùng tỏi và chế phẩm có chứa tỏi đồng thời với thuốc chống đông máu trước khi mổ.
5. Thực nghiệm chứng minh tác dụng của tỏi trên một số đối tượng chăn nuôi
5.1.Thế giới
Theo New Scientist (2001), các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ đã thử nghiệm dược tính của tỏi cho nhóm 128 con lợn con sau khi chúng được cai sữa. Sau 5 tuần thí nghiệm, kết quả cho thấy bột tỏi có một tác dụng tích cực lên sự tăng trưởng, giảm tỷ lệ chết và tiêu chảy.
Nghiên cứu của A.B. Omojola, S.S. Fagbuaro and A.A. Ayeni (2009) chứng minh bột tỏi bổ sung vào thức ăn có khả năng làm giảm cholesterol, cải thiện tỷ lệ nước trên thịt heo khi thí nghiệm trên 48 con heo 6 tuần tuổi. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Raghuveer Choudhary (2008) khi nghiên cứu lợi ích của tỏi đối với bệnh máu nhiễm mỡ và xơ vữa động mạch. Ông thấy rằng tỏi có tác dụng làm giảm cholesterol, tryglicerate, LDL-c trong máu heo thí nghiệm (p<0,01).
S.P. Cullen, F.J. Monahan, J.J. Callan và J.V. O’Doherty (2005); Y.J. Chen, I.H. Kim, J.H. Cho, J.S. Yoo, Q. Wang, Y. Wang, Y. Huang (2008) cho biết việc bổ sung bột tỏi (1g bột tỏi/kg thức ăn) vào khẩu phần heo giai đoạn vỗ béo đã nâng cao hệ số tiêu hóa và hiệu quả sử dụng thức ăn (p<0,05), đồng thời chất lượng thịt heo được cải thiện.
Một số nhà nghiên cứu thuộc đại học Novi Sad (Serbia) đã nghiên cứu ảnh hưởng của tỏi trong thức ăn của gà trong 6 tuần và khẳng định tỏi có tác dụng thúc đẩy tăng trọng của gà.
5.2. Việt Nam
Nguyễn Thị Kim Loan và cs (2010) đã thí nghiệm trên heo từ ngày tuổi 30 đến 90, kết quả cho thấy các chỉ số về sức đề kháng trên heo khi cho ăn thức ăn bổ sung bột tỏi (chiếm 0,1-0,2% khẩu phần ăn) cao hơn lô đối chứng. Cũng theo Nguyễn Thị Kim Loan và cs (2012), heo sử dụng thức ăn bổ sung 3 kg tỏi/tấn thức ăn hoặc kết hợp với bột nghệ sẽ cải thiện tốc độ tăng trưởng cũng như hệ số chuyển hóa thức ăn, tăng số lượng vi khuẩn sinh acid lactic, ít tổn thương phổi, giảm số lượng tế bào dịch rữa trong phế quản - phế nang, số lượng vi khuẩn gây bệnh cơ hội (Colform và Enterococus) cũng giảm, đồng thời giảm chi phí trên 1kg tăng trọng.
Nông dân một số địa phương tại Bình Dương (2004) dùng nước tỏi phòng và chữa bệnh cúm cho gà rất hữu hiệu. Năm 2010 Trạm Khuyến nông Khuyến ngư Mỏ Cày Nam (Bến Tre) đã thực hiện thí nghiệm trên 1000 con gà. Sau 4 tháng thí nghiệm đã chứng minh tỏi giúp hạn chế bệnh đường hô hấp mãn tính trên đàn gà, giảm được chi phí thuốc, tỷ lệ chết, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Huỳnh Thái Sơn (2008), Nguyễn Dương Trọng (2006), Huỳnh Thị Thu Nga (2005), Trần Thị Đoan Oanh (2004) sử dụng hỗn hợp tỏi – gừng – nghệ có tác dụng tốt trên sức sinh trưởng, sức sống và năng suất trên gà thịt cũng như gà đẻ (trích dẫn bởi Lâm Minh Thuận và cs, 2012).
Như vậy tỏi có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng, hạn chế bệnh, cải thiện hệ số chuyển hóa thức ăn và chất lượng thịt trên heo, gà. Tỏi có thể thay thế kháng sinh tân dược sử dụng trong chăn nuôi.
Thiên Nguyên
Nguyên liệu ngành Dược, TPCN và TACN