callpc

Soy isoflavone có tác dụng như thế nào?

Soy isoflavone là một trong những hoạt chất quý giúp bổ sung estrogen, cải thiện chức năng sinh lý ở phụ nữ.

      

      Trong nhiều thập kỷ trước, việc sử dụng các thực phẩm đậu nành đã được cho là có liên quan đến một số lợi ích đối với sức khoẻ con người, như chống ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt, làm giảm những triệu chứng khó chịu của thời kỳ mãn kinh, nguy cơ của chứng loãng xương và hạ thấp mức cholesterol huyết tương.  
              Một trong những hoạt chất quý góp phần tạo nên các khả năng phòng bệnh, chữa bệnh của đậu nành là các isoflavone có hoạt tính estrogen. Soy isoflavone có nguồn gốc phytoestrogen thực vật thuộc nhóm các hợp chất flavonoid. Chúng là các hợp chất phenolic, có cấu trúc và sự vận hành giống như estrogen ở người, vì thế còn được gọi là các estrogen thảo mộc. Trong tự nhiên, các Soy isoflavone được thấy có trong nhiều loại đậu khác nhau, trong đó hàm lượng cao nhất là ở đậu nành và các thực phẩm có chứa đậu nành.
              Các Soy isoflavone tồn tại ở 2 dạng: dạng tự do (aglycone) và dạng liên hợp glucoside. Phần lớn các Soy isoflavon trong đậu nành là ở dạng glucoside như genistin, daidzin, glycitin. Tuy nhiên, dạng Soy isoflavone này có hoạt tính sinh học thấp hơn so với dạng aglycone (genistein, daidzein, glycitein). Matsura và cộng sự đã xác định được trong đậu tương nảy mầm, Soy isoflavone dạng aglycone tăng lên rất nhiều do hoạt tính của β-glucosidase nội bào của đậu tương được kích hoạt bởi quá trình nảy mầm. Enzyme này cắt liên kết β-glucoside trong phân tử genistin, loại đi phân tử glucose để chuyển thành genistein.
              Khi vào cơ thể, các Soy isoflavone tự do đựợc hấp thu ở ruột non nhanh hơn so với các Soy isoflavone ở dạng glucoside. Sự chuyển hoá các Soy isoflavone đáng chú ý vì quá trình này tạo ra các sản phẩm có tác dụng mạnh hơn nhiều so với các chất ban đầu. Hệ vi sinh đường ruột được chúng minh là có tầm quan trọng đặc biệt đối với chuyển hoá và sinh khả dụng của các Soy isoflavone, khi chỉ có các động vật có hệ vi sinh đường ruột mới được thấy có bài tiết sản phẩm chuyển hoá có tác dụng mạnh (equol) của Soy isoflavone. Một số nghiên cứu đánh giá mức độ thải trừ equol qua nước tiểu cho thấy chỉ khoảng 33% cá thể người phương Tây chuyển hoá daidzein thành equol1. Sự khác nhau về chuyển hoá Soy isoflavone có thể có những ảnh hưởng quan trọng tới hoạt tính sinh học của các phytoestrogen này.
              Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động của Soy isoflavone trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư, các bệnh tim mạch, ức chế quá trình oxy hoá. Vai trò của các Soy isoflavone trong việc bảo vệ cơ thể khỏi bệnh loãng xương, chứng suy giảm nhận thức và các triệu chứng thời kỳ mãn kinh cũng đã được xem xét.


              Vai trò có thể có của các Soy isoflavone trong việc ngăn chặn bệnh ung thư, đặc biệt là các bệnh ung thư phụ thuộc vào hormone như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt đã được nghiên cứu rộng rãi. Ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt rất ít phổ biến ở các nước phương đông, nơi có chế độ ăn giàu đậu nành. Sự bài tiết nước tiểu cao của equol và enterolactone (các sản phẩm chuyển hoá của Soy isoflavone ở động vật có vú) đã được tìm thấy có liên quan đến việc giảm đáng kể nguy cơ ung thư vú. Kết quả từ 26 nghiên cứu trên động vật thực nghiệm về ung thư đã chỉ ra tác dụng bảo vệ trong 17 nghiên cứu (chiếm 65%), gồm có giảm nguy cơ ung thư, số khối u và không có nghiên cứu nào cho thấy đậu nành làm tăng khối u.


              Nhiều cơ chế chống ung thư của các Soy isoflavone và genistein đã được đề xuất. Genistein ức chế hoạt động của enzyme tyrosine kinase trong sự tự phosphoryl hoá của yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF), ức chế tăng sinh tế bào, trong khi equol có liên quan đến biểu hiện của gene estrogen. Các tác dụng khác được đề xuất như ức chế enzyme topoisomerase DNA, ức chế chu kỳ phát triển tế bào, ức chế sự hình thành mạch, ức chế enzyme tham gia vào quá trình tổng hợp estrogen.


              Các Soy isoflavone đậu nành đã được biết đến với tác dụng estrogen yếu hoặc hoạt tính giống với hormone. Các estrogen tác dụng thông qua liên kết với các thụ thể estrogen trong tế bào, tương tác với DNA để thay đổi biểu hiện gene. Các thụ thể estrogen không chỉ có ở các cơ quan sinh sản, mà còn có ở xương, gan, tim, và não2. Các Soy isoflavone có thể gắn với các thụ thể estrogen, bắt chước hoặc ngăn cản tác dụng của estrogen3. Các nhà khoa học quan tâm đến các hoạt động chọn lọc của các phytoestrogen vì các tác dụng đối kháng estrogen trên mô sinh sản có thể làm giảm các nguy cơ ung thư liên quan đến hormone (vú, tử cung, tuyến tiền liệt), trong khi các tác dụng estrogen trên các mô khác giúp duy trì mật độ xương và cải thiện mức cholesterol máu.

     

    Soy isoflavone chiết xuất từ đậu nành

    Soy isoflavone có tác dụng như thế nào?


              Hiệu quả bảo vệ tốt của Soy isoflavone chống lại ung thư tuyến tiền liệt đã được xem xét, đặc biệt là tác dụng của equol, một sản phẩm có thể được xem là một antiandrogen mới. Tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt ở Mỹ cao hơn nhiều so với các nước châu Á như Nhật Bản và Trung Quốc4. Tuy nhiên, các nghiên cứu dịch tễ chưa cung cấp bằng chứng về việc đưa vào nhiều thực phẩm đậu nành liên quan đến giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Các thử nghiệm tiếp tục là cần thiết để quyết định về vai trò của Soy isoflavone đậu nành đối với việc dự phòng và điều trị ung thư tuyến tiền liệt.


              Hạ cholesterol có lẽ là biểu hiện tốt nhất của tác dụng bảo vệ tim mạch từ việc sử dụng đậu nành. Một nghiên cứu gần đây kết luận rằng thay thế protein động vật bằng 50 g protein đậu nành/ngày giúp hạ thấp 3% LDL cholesterol huyết tương5. Sự duy trì chức năng bình thường của động mạch đóng vai trò quan trọng trong dự phòng các bệnh tim mạch. Khả năng giãn các động mạch đáp ứng với nitric oxide (giãn mạch điều hoà nội mạc) là quan trọng đối với những người có nguy cơ cao của bệnh tim mạch. Tuy nhiên, các thử nghiệm chưa tìm thấy sự cải thiện có ý nghĩa về sự giãn mạch điều hoà nội mạc khi phụ nữ tiền mãn kinh được cung cấp 80 mg Soy isoflavone đậu nành/ngày hoặc 60 g protein đậu nành có chứa Soy isoflavone/ngày. Độ cứng của động mạch cũng là một đo lường chức năng động mạch. Mặc dù hầu hết các nghiên cứu chưa chứng tỏ được sự bổ sung protein đậu nành hoặc các Soy isoflavone cải thiện giãn mạch điều hoà nội mạc, các nghiên cứu khuyến cáo rằng bổ sung các Soy isoflavone đậu nành có thể giảm độ cứng động mạch. Các nghiên cứu cần được tiếp tục để khẳng định tác dụng cải thiện chức năng động mạch của Soy isoflavone đậu nành.


              Hoạt tính chống oxy hoá là một trong những cơ chế có thể góp phần vào tác dụng bảo vệ tim mạch của đậu nành và các Soy isoflavone có trong đậu nành. Các Soy isoflavone có cấu trúc hoá học giống với estrogen, có tác dụng chống oxy hoá yếu vì có nhóm -OH ở vòng "A", tương tự vị trí trong cấu trúc của vitamin E, dẫn đến làm bền vững màng tế bào, bảo vệ tế bào với quá trình peroxide lipid (Wiseman và cộng sự, 1993; Wiseman và cộng sự, 1996a). Ngoài ra, các Soy isoflavone còn có nhiều nhóm -OH, giúp tăng cường hiệu quả chống oxy hoá của chúng bằng cách cho các gốc peroxyd nguyên tử hydro của nhóm -OH phenol (Tikkanen và cộng sự, 1998; Wang, 2000). Sự khác nhau về hiệu lực giữa genistein và daidzein là do sự có mặt của nhóm 5-hydroxyl, làm cho genistein có tác dụng tốt hơn daidzein. Tác dụng chống oxy hoá của các Soy isoflavone có thể làm giảm các nguy cơ bệnh ung thư do ngăn chặn các tác hại của gốc tự do gây ra với ADN.


              Như vậy, qua các nghiên cứu về tác dụng của các Soy isoflavone, protein đậu nành có thể được bổ sung vào các loại thực phẩm cùng với sự an toàn cho người sử dụng. Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ cho phép các cơ sở chế biến thực phẩm công bố trên bao bì thực phẩm của họ rằng: 25 g protein đậu nành mỗi ngày là một phần của chế độ ăn uống ít chất béo và cholesterol, có thể giảm các nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chỉ những thực phẩm đậu nành tự nhiên mới an toàn cho người sử dụng. Cẩn thận khi sử dụng các chế phẩm đậu nành dạng viên hoặc bột, vì chúng có thể có hàm lượng Soy isoflavone cao, có thể gây ra những tác dụng chưa được biết đến đối với sức khoẻ con người.

     

    DS. Đồng Duy Trường (Theo http://ytebacninh.edu.vn/)

      DMCA.com Protection Status